01 Tháng 1, 1970 |
Xã Trí Yên (Yên Dũng) giờ đây không chỉ được nhiều người biết đến bởi di tích lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm(chùa Đức La) với mộc bản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn nổi tiếng với đặc sản tương tương Trí Yên ( còn gọi là tương La).Tương do người dân thôn Thanh Long hay còn gọi là thôn La Hạ, xã Trí Yên làm sản phẩm có từ rất lâu đời. Không giống với tương ở những vùng quê khác , tương Trí Yên có vị ngọt thơm của đỗ tương hoa cúc, gạo nếp, vị đậm đà của muối và sắc vàng bắt mắt. Khi ăn có cảm giác béo ngậy, vị ngọt thanh, thơm lừng... Nghề làm tương đang từng bước được khôi phục nhằm đa dạng các sản phẩm phục vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách khi tới tham quan thắng cảnh này, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân nơi đây.
Tương là món ăn dân dã của người dân Việt Nam, nước chấm không thể thiếu khi ăn bánh đúc, bánh tẻ, chấm rau muống, cà muối, thịt luộc…Tương còn dùng làm gia vị nấu một số món ăn dân gian khác. Từ xa xưa nhà nhà, người người ở các vùng quê đã biết làm tương ăn dần. Thế nhưng, người sành ăn thì chỉ chọn những loại tương nổi tiếng của một số vùng miền trong cả nước như tương Bần (Hưng Yên), tương Cự Đà (Hà Tây), tương Nam Đàn (Nghệ An)... Nhiều người cho rằng tương Trí Yên ngon và có thể so sánh được với các loại tương trên là do được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước trong mát nhưng những người làm tương nơi đây cho biết tương ngon hay không phần nhiều do nguyên liệu và kỹ thuật của người sản xuất.
Khu vực làm tương của HTX dịch vụ Nông Lâm Trí Yên – Yên Dũng
Nguyên liệu làm tương Trí Yên không thể thay thế được chính là gạo nếp cái hoa vàng và đậu tương hạt nhỏ giống cúc hoa vàng (đắt gấp 2-3 lần đậu tương thường). Gạo nếp chọn lựa kỹ bằng cách giần sàng sao cho không còn hạt gãy. Ngâm, đãi rồi nấu thành xôi, xong xới ra nong, nia cho lên men, lên mốc tự nhiên. Sau khi mốc lên đều có màu hoa cau là được. Đỗ tương loại bỏ hạt lép, hạt hỏng rửa sạch, rang chín vừa, để nguội rồi xay ra (không quá nhỏ), cho vào chum ngâm với nước trong khoảng thời gian thích hợp cho mềm (khi được nước đỗ tỏa mùi thơm ngào ngạt). Tiếp đó là công đoạn ngả tương (trộn mốc với nước tương đã ngâm, thêm muối cho vừa), đánh đều, phơi nắng, rồi để vào nơi thoáng mát bảo quản. Để tương ngấm, ăn ngon phải mất tối thiểu một tháng. Tương thành phẩm có thể để được khoảng 2 năm mà không cần dùng bất kỳ chất bảo quản nào. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông - lâm Trí Yên, chủ cơ sở làm tương La cho biết: “Nhiều người biết làm tương nhưng làm tương ngon không dễ bởi ngay như dụng cụ sản xuất không phải loại nào cũng có thể làm tương. Cùng là chum sành nhưng có loại cứ làm tương là hỏng. Tương cho nhiều muối sẽ mặn nhưng ít muối thì hỏng. Một yếu tố khác là thời tiết, trong năm chỉ từ tháng 6 đến tháng 8 (âm lịch) là thời điểm lý tưởng để làm tương…”. Được biết để làm tương, gia đình ông Tuấn đã đầu tư vài trăm triệu đồng, đích thân ông lặn lội vào tận Nghệ An mua mấy chục chiếc chum sành về làm nghề.
Hiện nay xã Trí Yên có hơn 100 hộ là tương, mỗi năm sản xuất khoảng 45.000lít. Riêng HTX dịch vụ nông lâm Trí Yên sản xuất được khoảng tên 10 nghìn lít tương, gấp 2 lần năm trước, trong đó có khoảng 2 nghìn lít tương bán dịp lễ hội chùa La. Các hộ khác trong HTX, trong thôn, xã cũng tích cực đầu tư sản xuất, cung ứng hàng vạn lít tương ra thị trường với giá khoảng 40 nghìn đồng/lít. Cùng đó, UBND huyện Yên Dũng, các phòng, ban chuyên môn tạo điều kiện, hướng dẫn HTX thực hiện nghiêm các quy định trong sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn đầy đủ được cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể …Với sự nỗ lực từ nhiều phía, tin rằng sản phẩm tương Trí Yên sẽ ngày càng phát triển và được nhiều gia đình biết đến và sử dụng. Nghề làm tương sẽ góp phần cải thiện cuộc sống người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Theo Trung Tâm KC&XTTM
0 Bình luận
Bài viết nổi bật
22 Tháng 4, 2021
17 Tháng 4, 2021
09 Tháng 4, 2021
17 Tháng 4, 2021
17 Tháng 4, 2021