Lục Ngạn, huyện miền núi nằm phía đông bắc tỉnh Bắc Giang, thị trấn Chũ, trung tâm huyện lỵ, cách thành phố Bắc Giang 40km. Huyện có diện tích tự nhiên 1012 km2, với 30 đơn vị hành chính được chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng thấp gồm 17 xã, thị trấn, vùng cao gồm 12 xã. Dân số Lục Ngạn khoảng 205.000 người, gồm 8 dân tộc. Dân tộc Kinh chiếm 51%. Các dân tộc khác: Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa chiếm 49%. Lục Ngạn là vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Quả vải thiều đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng đất tràn đầy nắng và gió này.
Tháng sáu, khi tiếng tu hú vang xa gọi bầy, báo hiệu mùa vải chín, đúng như dự định, tôi và bè bạn lên đường khám phá, trải nghiệm “Vương quốc vải thiều - mùa quả ngọt”. Thời điểm này người dân Lục Ngạn bận rộn bước vào mùa thu hoạch vải thiều, vải chín kết tầng tầng, lớp lớp trải dài bao quanh khắp các ngọn đồi, làng bản. Không gian toàn một màu đỏ rực như lửa cháy. Khắp các ngả đường của huyện Lục Ngạn đều tràn ngập sắc đỏ vải thiều. Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau thồ hàng tạ vải đến tập kết tại các điểm thu mua. Tuyến quốc lộ chạy qua trung tâm huyện trở lên quá tải về nạn kẹt xe, từng đoàn xe congtene ì ạch nối đuôi nhau nhích từng mét trên quốc lộ 31 như lan tỏa thêm sức nóng của mùa thu hoạch vải thiều, tại vựa vải lớn nhất cả nước.
Lục Ngạn mùa vải chín
Với 15.290 ha vải thiều toàn huyện, các xã trọng điểm trồng vải là: Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải, Tân Quang, Tân Mộc...các địa bàn này, vải như tấm thảm đỏ mênh mông, trải dài bất tận. Cơ man là vải. Không thể tin nổi vải lại nhiều đến thế. Tại vườn các gia đình, hàng tấn quả được hái xuống, chất đầy sân, chuẩn bị cho lên xe, chở tới các điểm thu mua. Quả vải căng mọng, vỏ đỏ, cùi trắng ngọt lừ làm mát lòng du khách. Trong nắng, mùi trái chín sực nức. Tiếng chim tu hú vẫn vẳng xa thúc giục.
Đi trong vườn vải, du khách sẽ lạc vào mê cung màu sắc rực đỏ quả, xanh thẫm lá. Vải đã là máu thịt, tạo nên sự trù phú của vùng đất này. Bạn muốn thăm cây vải tổ (trồng năm 1953) hãy về làng Thủ Dương, xã Nam Dương. Năm 2018 sản lượng vải thiều toàn huyện Lục Ngạn ước đạt 90 ngàn tấn. Lục Ngạn có tới hàng ngàn hộ dân có thu nhập cả trăm triệu trở lên từ vải. Mùa vải thiều chín, Lục Ngạn trở nên đông đúc, nhộn nhịp lạ thường. Thời điểm này, đứng ở bất kỳ đâu trên đất Lục Ngạn, phóng tầm mắt ra xa bạn cũng bắt gặp hình ảnh những chùm vải mọng đỏ, lúc lỉu trên cây. Đây là mùa người dân Lục Ngạn bận rộn nhất trong năm. Bởi ở Lục Ngạn nhà ít nhất có vài chục cây vải, nhiều thì hàng trăm, hàng ngàn cây. Mọi người ai nấy đều tập chung cho việc thu hoạch vải thiều. Trên những gương mặt mướt mát mồ hôi do lao động vẫn ánh lên niềm vui được mùa sau một năm lao động vất vả. Vải thiều Lục Ngạn được ưa chuộng trên cả nước, vì thế vào mùa vải, thương lái từ nhiều tỉnh như: Hà Nội, Quảng Ninh, Sài Gòn, Đà Nẵng...đến thu mua. Một lượng vải thiều lớn của Lục Ngạn được xuất sang thị trường Trung Quốc và một số nước ASEAN. Năm 2018 Lục Ngạn có 11.423 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VIET GAP và 218 ha tiêu chuẩn Global GAP. Số vải tiêu chuẩn Global GAP sẽ được xuất sang các thị trường Nhật, Mỹ và Châu Âu. Ngoài các thị trường cao cấp, thị trường truyền thống, vải thiều Lục Ngạn còn được sấy khô, đóng hộp xuất khẩu, phục vụ người tiêu dùng. Thời điểm này Lục Ngạn có trên 100 thương nhân Trung Quốc mở đại lý thu mua vải thiều. Đây là lực lượng chủ lực tiêu thụ cho vải thiều Lục Ngạn, ước khoảng 50% số lượng vải thiều Lục Ngạn được thương nhân Trung Quốc tiêu thụ.
Đại lý vải thiều được tập chung tại các điểm: Thị trấn Chũ, xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Trù Hựu, Hồng Giang và các xã dọc quốc lộ 31. Đại lý sẽ mua gom vải của người dân trên địa bàn. Gom đủ hàng, các thương lái sẽ chuyển vải tới nơi tiêu thụ. Địa bàn tiêu thụ là những thành phố lớn, các địa phương của ba miền Bắc, Trung, Nam trên cả nước...
Vải thiều được trồng đại trà ở Lục Ngạn vào khoảng cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Sự cần cù, chịu khó của người dân Lục Ngạn đã biến những vùng đồi khô cằn trước đây thành những đồi vải bạt ngàn, mang lại sự ấm no cho hàng vạn hộ nông dân. Vốn cây vải thiều xuất xứ từ Thanh Hà (Hải Dương) khi được di thực lên vùng Lục Ngạn, hợp khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo thành một thứ quả ngon ngọt, khiến người thưởng thức mê ly. Có thể nói mức độ thơm ngon của vải thiều Lục Ngạn đã vượt qua vải Thanh Hà và dành được rất nhiều cảm tình của người sành hoa quả trong và ngoài nước. Quả vải thiều Lục Ngạn có đặc điểm, khi chín màu đỏ, hạt nhỏ cùi dày, khi ăn có vị ngọt đậm đà, thơm mát, khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm và muốn mua thật nhiều để làm quà cho người thân.
Tới Lục Ngạn vào mùa vải thiều chín, bạn có thể thăm hồ Cấm Sơn. Cấm Sơn rộng 2600 ha, đẹp thơ mộng giữa mênh mông sóng nước. Cách thị trấn Chũ 9 km là hồ Khuôn Thần. Hồ rộng 145 ha, với nhiều đảo nổi có vẻ đẹp thanh bình, khí hậu mát mẻ được bao bọc bởi hơn 400 ha rừng thông xanh tốt quanh năm. Tại Khuôn Thần, du khách có thể dạo chơi trên hồ bằng những chiếc thuyền nhỏ cà đến thăm các trang trại vải thiều của người dân địa phương.
Mùa vải chín, chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là du khách có thể thoải mái thưởng thức những trái vải thiều tươi ngon nhất ngoài chợ. Tuy nhiên giá cả và sự an nhàn không phải là lý do chính, du khách muốn được trải nghiệm! Đơn giản vì ai cũng thèm tận hưởng những phút giây thú vị khi ăn trái vải do chính tay mình hái, muốn được cùng bà con nông dân thu hoạch vải thiều. Và một chuyến dong chơi cuối tuần đến các khu rừng bát ngát, những mặt hồ sóng nước dập dềnh giữa một miền quả ngọt. Quả là sự lựa chọn lý thú!
Chùa Am Vãi
Rời Khuôn Thần, nhóm du khách chúng tôi sang Nam Dương, nơi có thắng tích chùa Am Vãi nổi tiếng. Qua cầu Nam Dương, tới làng Thủ Dương, con đường nhỏ ngoằn ngoèo, hai bên đường, từng chùm vải chĩu cành, chín mọng. Lúc dừng xe, tôi bứt vài trái bên vệ đường mà chẳng hề bị chủ nhân phàn nàn. “Cây nhà lá vườn ý mà, các anh ăn bao nhiêu cứ lên cây mà hái” - bác Diệp Văn Tư, chủ vườn xởi lởi mời. Có lẽ thiên nhiên ưu đãi, cây trái sum xuê đã tạo nên sự hào phóng, cởi mở của người dân nơi đây. Giữa mênh mông, bát ngát rừng vải, những ngôi nhà cao tầng nổi lên ấn tượng. Không cần giới thiệu, ai cũng hiểu chính cây vải thiều đã góp phần mang lại cho bà con cuộc sống khá giả. Vì thế cây vải thiều được mệnh danh là một trong những loại cây làm giầu chủ lực của Lục Ngạn.
Chúng tôi đi bộ xuyên từ vườn nhà nọ sang nhà kia, hàng rào ngăn cách giữa các vườn cũng thật đơn giản, một gờ đất hay một rãnh nước chảy. Tiếng trò chuyện của người dân thu hoạch vải khuất trong lùm cây. Giữa thiên nhiên khoáng đạt, bất chợt ngân vang một câu sli, lượn của người dân tộc bản địa nghe sao trữ tình, tha thiết.
Mùa vải chín, tất cả mọi dịch vụ trong “Vương quốc vải thiều” đều trở lên “nóng”. Lượng thực phẩm được tiêu thụ trong vụ thu hoạch vải tăng đột biến. Nhiều dịch vụ đi kèm mùa vải phát triển thịnh vượng như các dịch vụ: ăn uống, bán đá cây ướp lạnh vải thiều, thùng xốp đóng hộp vải...hết sức sôi động. Nhiều thương gia thu bạc tỷ từ những dịch vụ ăn theo mùa vải này. Mùa vải chín, Lục Ngạn thực sự trở thành ngày hội, ngoài cảnh tấp nập mua bán, các đoàn khách du lịch, bạn bè người thân của người vùng vải dịp này cũng thường lên tham quan, thăm hỏi nhau. Hàng ngàn lao động thời vụ ở các địa phương khác cũng đổ về Lục Ngạn, tạo nên một Lục Ngạn sầm uất và đầy màu sắc. Đến Lục Ngạn mùa vải thiều chín, du khách không chỉ được cảm nhận thiên nhiên bao la, khoáng đạt, không gian yên ả, thanh bình mà cả sự náo nhiệt, trù phú, no ấm. Mùa vải thiều chín kéo dài từ tháng năm, đến hết tháng bẩy. Lục Ngạn sẽ còn tiếp đón nhiều đoàn du khách, du ngoạn, vãn cảnh, hòa mình cùng nắng gió trên vùng đất con người hồn hậu và thiên nhiên tươi đẹp.
Theo DLBG
Nghề làm tương ở Đường Lâm có từ thời xa xưa và mỗi nhà đều có một vài vại tương phơi ngoài sân. Để có được bát tương ngon cũng cầu kỳ, kiểu cách. Để có nước tương ngon, người làng Đường Lâm có bí quyết dùng nước giếng Giang (giếng nước đá ong ở gần nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh), bởi nước từ giếng ấy trong văn vắt và ngọt lừ. Có nước đỗ ngâm từ đậu tương rồi, người làm tương Đường Lâm sẽ cho dấm mốc vào trong chum, phơi giữa sân dưới nắng hè tháng 6 cho thật nhuyễn.
Với nước tương ngon, người làng Đường Lâm đã sáng tạo ra những món ăn ngon. Không chỉ có cà ngâm tương, củ cải ngâm tương, người dân làng cổ còn có đặc sản “tuyệt chiêu” là thịt lợn luộc ngâm tương.
Món chè kho cũng là một món “mời chào” du khách tới với làng cổ. Chè kho làm từ đỗ xanh đã được đồ lên, rồi cho đường, dùng chiếc đũa cái to đảo thật đều tới khi những hạt đỗ như nát ra, láng mịn. Chè kho ăn khi nguội, dùng dao sắn từng miếng nho nhỏ đôi ba ngón tay, vừa ăn, vừa nhấp môi với chè xanh thì sẽ thấy vị ngọt thơm dìu dịu lan tỏa rất dễ chịu.
Đường Lâm còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.