Hiện nay, nhân dân trong vùng vẫn còn lưu truyền truyền thuyết vào một đêm đầu thế kỷ trước, có một người khách từ phương xa tới đây. Sau khi vạch núi, băng rừng, đứng trên đỉnh núi cao, ông nhìn thấy chòm sao Thần Nông thật sáng, thật gần, gần tới mức có thể đếm rõ từng con vịt của Thần Nông trên dải sông Ngân Hà.
Kết hợp những dấu tích còn lưu lại và truyền thuyết dân gian, người dân địa phương tin rằng vùng đất này chính là huyệt đạo của Thần Nông. Đầu xuân hàng năm, rất nhiều du khách tìm về đây để hành lễ thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần trọng nhà nông, trọng nghề nông bởi “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”… và nguyện cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Đặng Văn Nhàn – Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, đáp ứng nguyện vọng tâm linh rất ý nghĩa của người dân, năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã quyết định xây dựng Đền thờ Thần Nông từ nguồn vận động xã hội hóa. Đến thời điểm này, đây là nơi duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á xây Đền thờ Thần Nông.
Quần thể công trình được xây dựng theo thế “tựa sơn, hướng thủy”. Từ trên Đền thờ Thần Nông có thể phóng tầm mắt nhìn thẳng ra sông Lục Nam và hướng về thành phố Bắc Giang. Cùng với Thần Nông, trong Đền còn thờ 18 vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Ngoài Đền thờ, quần thể công trình còn có đầy đủ hệ thống giao thông, công viên cây xanh, hồ nước, khu vui chơi giải trí, khu dân cư, khu trung tâm thương mại…, mở ra một hành trình mới trên đường hành hương về miền đất thiêng Tây Yên Tử.
Theo nhiều người dân địa phương, kể từ khi khánh thành Đền thờ Thần Nông, trong điều kiện phải đối mặt với khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh…, song sản xuất nông nghiệp năm 2019 vẫn rất thuận lợi. Cây trồng đơm hoa kết trái nhiều hơn, năng suất cao hơn, do đó số tiền người dân thu được cũng nhiều hơn.
Ông Dương Văn Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhận xét, năm qua là năm lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có bước tiến đặc biệt ấn tượng. Cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt tới 105 triệu đồng. Giá trị thực tế của ngành Nông nghiệp tăng thêm hơn 520 tỷ đồng so với năm 2018. Điều đó cho thấy nông nghiệp Bắc Giang đang hướng tới tăng giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân và chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi giá trị. Nông nghiệp Bắc Giang đã khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp cả nước, là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước.
Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số thành thị ở nước ta chiếm 34,4% tổng dân số cả nước. Điều này đồng nghĩa với 65,6% dân số còn lại sẽ sống ở khu vực nông thôn. Khởi nguồn từ tín ngưỡng dân gian song thờ Thần Nông thực sự là một hoạt động có ý nghĩa khuyến nông, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Xuân Canh Tý 2020, tỉnh Bắc Giang giao cho huyện Lục Nam và xã Cẩm Lý tiếp tục tổ chức nghi lễ cúng Thần Nông, phát tượng trưng hạt giống cho các địa phương lấy khí thế và may mắn bước vào vụ sản xuất mới.
Ngoài ý nghĩa là một điểm du lịch văn hóa tâm linh độc đáo, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân, trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang, quần thể Đền thờ Thần Nông ở xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam sẽ được gắn kết với các tuyến du lịch khác của tỉnh, từ đó tiếp tục thu hút đầu tư, hình thành các khu, điểm du lịch tâm linh theo con đường hướng về vùng đất Phật Tây Yên Tử./.