Am Vãi linh thiêng

Trong chuyến hành trình khám phá vẻ đẹp của vùng đất Bắc Giang, điểm đến tiếp theo của chúng tôi trên đất Lục Ngạn là núi Am Vãi, nơi có một ngôi chùa cổ đang tọa lạc, đó chính là chùa Am Vãi.
Đến xã Nam Dương, chúng tôi không thể không dừng lại ngắm vẻ đẹp của dòng sông Lục Nam với cây cầu Chũ vắt ngang. Chính cây cầu này đã tạo điều kiện cho xã Nam Dương và các xã bên sông giao thương, phát triển kinh tế thuận lợi hơn. Ai nấy trong đoàn đều nghĩ rằng sẽ thật thiếu sót nếu không ghé thăm làng nghề làm mỳ nổi tiếng mang thương hiệu Mỳ Chũ, đó là làng Thủ Dương. Mỳ Chũ cùng với vải thiều, gạo Phì Điền, rượu Kiên Thành là những đặc sản nức tiếng của vùng đất Lục Ngạn. Theo sự hướng dẫn của anh cán bộ xã Nam Dương, chúng tôi vào thăm gia đình bà Tô Thị Lành, đây là hộ gia đình làm mỳ từ nhiều đời nay và hiện là một trong những hộ làm với số lượng lớn nhất làng nghề. Đúng lúc, bà Tô Thị Lành đang cùng người nhà tráng bánh đa. Cũng không quá khó khi hầu hết việc tráng bánh do máy móc thực hiện. Trước đây, làm mỳ bằng phương pháp thủ công nên khá vất vả mà năng suất lại thấp. Qua trò chuyện, chúng tôi biết rằng: Làng nghề mỳ Thủ Dương được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XX, do một hộ người Hoa học từ Trung Quốc rồi truyền lại cho dân làng. Sản phẩm mỳ được chế biến theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt khá công phu, từ đó đến nay được nhân dân làng Thủ Dương duy trì phát triển và trở thành làng nghề.
Bà Lành còn cho biết: Nguyên liệu chính để làm mỳ là gạo Bao thai hồng – giống gạo dài ngày được trồng trên các chân ruộng cao. Gạo được vo kỹ, ngâm suốt 8 tiếng rồi mới đem đi xay thành bột. Bột sau đó được hòa với nước và lọc đi lọc lại nhiều lần rồi mới đem tráng thành bánh đa.

Đặc sản Mỳ Chũ giúp người làm nghề ngày càng khá giả

Khác với những loại mỳ khác, bánh đa này được phơi khô dưới nắng chứ không dùng phương pháp sấy công nghiệp. Ở khâu cuối cùng, người thợ tỉ mẩn thái bánh đa thành những sợi đều đặn, đóng gói cẩn thận thành sản phẩm hoàn chỉnh để đưa đến tay người sử dụng. Mỳ Chũ đặc biệt ở độ giòn, dẻo, thơm; sợi mỳ nhỏ, màu hơi đục vì được làm từ gạo nguyên chất. Nếu đun lâu sợi mỳ vẫn không bị nát, nước vẫn trong. Người dùng có thể nấu, xào hoặc dùng trong các loại lẩu. Hơn nữa Mỳ Chũ hoàn toàn không dùng các chất phụ gia ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người nên được thị trường ngày càng ưa chuộng. Chúng tôi đã được ăn mỳ Chũ nhiều nên cảm nhận được vị ngon khác biệt với các loại mỳ khác. Bởi vậy, khi rời làng nghề, trong xe của đoàn có thêm mỳ Chũ, một loại đặc sản dùng làm quà cũng thật ý nghĩa.

Chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Đoạn đường từ chân núi đến chùa Am Vãi dài chừng 5 cây số. Để lên được chùa có 3 đường chính mà ô tô, xe máy có thể đi được. Chúng tôi đi theo con đường từ xã Nam Dương. Tuy đường lên chùa phải qua nhiều đèo dốc nhưng bù lại phong cảnh thật nên thơ.

Phong cảnh nên thơ trên đường lên Am Vãi

Trời bắt đầu lất phất mưa, con đường đi cũng dần ngắn lại, rồi chúng tôi cũng đã đến nơi. Đón tiếp chúng tôi là một cụ cao tuổi được cử trông coi chùa. Sau khi uống chén trà nóng, chúng tôi được cụ dẫn đi thăm chùa và kể cho nghe những câu chuyện mang đậm nét huyền ảo. Chùa Am Vãi được đặt tại một nơi đắc địa đúng sách phong thủy: “Bối sơn, diện thủy, hướng dương”. Sau chùa là núi, trước mặt là thung lũng mênh mông đầy nắng và gió bên dòng sông Lục Nam nghìn đời vẫn chảy. Xa hơn phía mặt trời mọc là thượng ngàn rừng thiêng Yên Tử. Nơi mà cách đây hơn 700 năm đức vua Trần Nhân Tông sau khi cùng vua tôi nhà Trần với quân dân Đại Việt 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược, đã từ bỏ ngai vàng lên đỉnh 1068 mét xuống tóc đi tu, lập nên thiền phái Trúc Lâm. Kể từ đó thiền viện được mở ra, chùa am phát triển, hàng nghìn tăng đồ qua đào tạo được 3 vị tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang phái đi trụ trì ở nhiều chùa trên khắp một dải cánh cung Yên Tử và nhiều nơi khác. Am Vãi chính là chùa được ra đời giữa trào lưu như vậy. Khi Thiền phái Trúc Lâm trở thành phái thiền tông độc lập, chùa Am Vãi là địa điểm đón nhận nhiều vị sư đến tu tại chùa. Nơi đây trở thành một phân nhánh quan trọng của thiền phái để kết nối với các trung tâm Phật giáo lớn: Vĩnh Nghiêm, Quỳnh Lâm và Yên Tử.
Còn theo một số nhà khảo cổ học thì chùa Am Vãi lúc đầu là một ngôi chùa nhỏ. Đến thời Trần thì có sư nữ (Công chúa nhà Trần) tu hành ở đó. Bởi vậy, chùa mới có tên là Am Vãi (Vãi có nghĩa là nữ tu hành). Từ thời Lê về sau, có lẽ chùa được xây dựng quy mô lớn hơn. Bố cục mặt bằng theo lối nội công, ngoại quốc trên diện tích chừng 2.500 mét vuông, gồm các tòa như tiền đường, tam bảo, hành lang, nhà tổ, nhà tăng… Song ngôi chùa này đã bị đổ nát, chỉ còn là phế tích do chiến tranh loạn lạc, thiếu sự tu bổ, tôn tạo… Từ năm 1990 trở lại đây, người dân Nam Dương (chủ yếu là dân làng Biềng) đã góp công, góp sức tu tạo lại chùa. Kẻ gùi vôi, người gùi cát, xi măng… cùng cơm đùm, cơm nắm từ làng lên núi để hưng công tạo dựng chùa.

Chùa Am Vãi - một phân nhánh quan trọng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Ảnh: Chùa Am Vãi mới được tu tạo)

Chúng tôi ngắm hồi lâu tháp đá được tạo bởi chất liệu đá cát kết già màu nâu nhạt. Diềm mái tháp ghi 4 chữ Hán “Liên hoa bảo tháp”. Nghệ thuật chạm khắc trên tháp và nội dung bài vị lưu tại tháp là những dấu tích quan trọng về sự ra đời sớm của ngôi cổ tự này.
Nhiều người vẫn truyền nhau rằng: Chùa Am Vãi nổi tiếng linh thiêng. Đặc biệt đối với những đôi vợ chồng hiếm con hoặc mong muốn có một cậu quý tử để nối dõi tông đường thì việc đi lễ chùa Am Vãi có ý nghĩa rất lớn đối với họ. "Cầu được ước thấy", đã có nhiều cặp vợ chồng khi đi lễ chùa trở về thì ước vọng của họ đã trở thành hiện thực. "Tiếng lành đồn xa", càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng như thế đến đây hơn, họ cũng mong mình sẽ được sự may mắn như thế.
Theo con đường mòn lên núi, chúng tôi dừng chân bên Hang Tiền, Hang Gạo. Truyền tích rằng: Xưa kia chùa Am có một vị sư trụ trì. Cạnh chùa có hang tiền, hang gạo. Mỗi ngày hai hang chỉ chảy ra đủ tiền, đủ gạo cho một mình vị sư dùng chứ không chảy hơn. Đến một ngày nhà sư có khách đến chơi, ông bèn khơi cho tiền và gạo chảy ra đủ cho hai người ăn. Vì thế mà từ đó hang tiền không xuất tiền ra nữa, hang gạo cũng ngừng chảy. Khách thập phương qua đây đều đến thắp hương bên Hang Tiền, Hang Gạo để cầu lộc, cầu tài.

Hang Gạo (cùng với hang Tiền) là nơi du khách cầu tài, cầu lộc

Mặc dù ngôi chùa nằm ở độ cao 438 mét so với mặt nước biển, song nơi đây quanh năm có nước tuôn chảy từ mạch ngầm. Nước trong, mát có vị ngọt. Có lẽ vì thế, chẳng biết từ bao giờ, nơi đây đã xuất hiện những cái giếng mà người dân vẫn gọi là "giếng Tiên". Bên chùa có cây me lớn lúc lỉu những chùm quả xanh mọng. Chúng tôi xin phép hái mấy quả ăn chơi. Vị chua chua thanh thanh làm dịu cái nực của mùa hè còn rơi rớt. Uống thêm ngụm nước “giếng Tiên”, cảm giác ngọt ngào không thứ nước gì sánh bằng.
Đường mòn thoai thoải, dần lên, len giữa các sống núi là bạt ngàn cỏ gianh. Đây đó giữa những trảng cỏ, nổi bật lên vóc dáng phong sương hiên ngang của những cây chịu hạn như sầm, me, găng, sim, mua… Càng lên cao, tầm mắt càng được mở rộng. Truyền rằng trên đỉnh cao là bàn cờ tiên - nơi tụ hội của các bậc tiên giả để cùng nhau chơi cờ, xướng hoạ bình thơ giữa cảnh non nước rộng mở, trời đất giao hoà. Trên phiến đá cao nhất vẫn còn lưu lại dấu bàn chân Phật hằn sâu trên đá.
Du khách có thể ướm chân vào “bàn chân Phật” để mong muốn sinh con như ý
Đến chùa Am Vãi, du khách thoả lòng thành tâm hướng Phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng…thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quanh năm từ những khe núi, đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng phía sau chùa, tạm lánh xa những xô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh…

Trên đỉnh Am Vãi hướng về non thiêng Yên Tử

Chiếc chuông “Đại hồng chung” nặng gần một tấn được nhà chùa tổ chức lễ đúc ngày mồng 1 tháng 3 âm lịch năm Canh Dần (2010). Chúng tôi ra về khi chiều đã muộn. Từ cõi thiêng Am Vãi, tiếng chuông chùa bắt đầu ngân vang. Tôi nghe văng vẳng trong tiếng chuông ngân lời nhắn nhủ:
“Hỡi ai đi gần về xa
Hội chùa Am Vãi tháng Ba nhớ về.”

0 Bình luận

| 22