Núi Yên Tử đúng ra phải gọi là dãy Yên Tử. Dãy núi này nằm trong địa phận ba tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Dãy núi có hai vùng sơn phận: Sơn phận phía Đông thuộc hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, ta thường gọi là Đông Yên Tử. Sơn phận phía Tây nằm trọn vẹn trên địa phận tỉnh Bắc Giang, bây giờ đang gọi là Tây Yên Tử.
Sử sách xưa ghi nhận núi Tây Yên Tử là phúc địa thứ tư của Giao Châu xưa. Cả dãy này làm nên cánh cung Đông Triều. Núi Yên Tử là gọi theo tên gọi của ngọn cao nhất- 1068 m. Ngọn này có truyền tích thuở xưa có vị tên là An Kỳ Sinh về đây tu hành học đạo. An là họ của An Kỳ Sinh. Tử là từ tôn xưng để gọi cho ai đó. Gắn hai chữ lại là để tôn xưng cho vị đạo sỹ An Kỳ Sinh này.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết và ngành chức năng trong chuyến khảo sát xây dựng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (năm 2010). Ảnh tư liệu |
Do là phúc địa nên người xưa đã tìm hiểu cảnh quan tự nhiên của nó và xây dựng nên các công trình tôn giáo tín ngưỡng và đặt tên cho núi và tên các công trình ở đó. Ví dụ: Yên Tử (An Tử) là gắn với tên người- An Kỳ Sinh. Núi Phật Sơn là núi lớn nằm kề bên núi Yên Tử. Núi Phật Sơn nằm trọn trong địa phận xã Lục Sơn (Lục Nam).
Núi này có hình đức Phật nằm, hình thế rất đẹp. Con đường Tây Yên Tử đi qua xã Lục Sơn nhìn về bên núi sẽ thấy hình đức Phật rất rõ. Núi này đã được sách "Đại Nam nhất thống chí" ghi nhận là núi Phật Tích làm nên các mạch núi khác nhỏ hơn để xây dựng các đền, chùa như chùa Am Vãi, chùa Hồ Bấc, chùa Hồ Thiên, chùa Bác Mã… Xung quanh núi Phật Sơn còn có các núi nhỏ phụ cận mang tên các địa danh với ý nghĩa Phật giáo tốt đẹp như: Núi Liên Sơn, Định Sơn, Thọ Sơn…
Bên cạnh các núi Phật Sơn lại có núi mang địa danh Đèo Bụt. Bụt cũng là Phật- chẳng qua chỉ là hai cái tên khác nhau của Phật mà thôi. Đèo Bụt cũng là đèo cao trên đường vào Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử ở Đồng Thông thuộc xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Nơi đây cũng có dấu tích Phật giáo nhưng chưa được khảo cứu kỹ.
Trong khu vực từ chùa Vĩnh Nghiêm lên đến chùa Đồng (Yên Tử) theo đường Tây Yên Tử có cả một hệ thống chùa tháp thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nối một dải Tây Yên Tử với nhau tạo ra trục đường văn hóa tâm linh. Điều này, chứng minh cho quá trình phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong vòng 1.000 năm qua mà ở đất Bắc Giang có một điểm chốt quan trọng là chùa Vĩnh Nghiêm (Trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam) đến nay vẫn còn đang tỏa sáng tới khắp mọi miền trong nước. |
Năm 2014, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh khai quật khảo cổ học ở Đám Trì (xã Lục Sơn) cho kết quả là: Ở khu vực chùa Đám Trì có di chỉ chùa cổ thời Lý với nhiều di vật ngói mũi có lá đề mang phù điêu lưỡng long chầu nguyệt (thời Lý) rất đặc trưng. Chứng tỏ thời Lý đã có đạo Phật truyền tới khu vực Lục Sơn.
Từ núi Phật Sơn, có một sơn mạch đẩy ra làm nên núi Am Vãi thuộc địa phận các xã Tân Mộc, Nam Dương, Nghĩa Hồ của huyện Lục Nam. Núi Am Vãi còn có tên là núi Am Ni, núi Quan Âm, núi Âm Ni. Các tên này đều mang ý nghĩa Phật giáo, “Am” là cái Am, chùa Am. Vãi là sư bà. Chùa Am Vãi là chùa của sư bà tu hành. Núi được sách "Đại Nam nhất thống chí" ghi nhận là một danh thắng trong sơn phận núi Yên Tử.
Trên núi có chùa cổ, có giếng nước trong, ngọt quanh năm không bao giờ cạn. Ở núi có các địa danh như: Bàn cờ Tiên, hang Tiền, hang Gạo, dấu chân Phật trên đá và dấu tích các tháp đá. Trong đó có tháp khắc các chữ “Liên Hoa Bảo tháp” tức là “Tháp quý hoa sen”. Trong tháp còn có bài vị đá khắc các chữ Hán là: “Trúc Lâm viên tịch Ma ha bất thương tỳ khưu Như Liên thiền sư hóa thân Bồ tát cẩn vị” nghĩa là “Bài vị Thiền sư là Ma ha bất thương tỳ khưu Như Liên đã viên tịch hóa thân là vị bồ tát của Thiền phái Trúc Lâm”.
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: Việt Hưng |
Cuối dãy Yên Tử là dãy Huyền Đinh thuộc địa phận huyện Lục Nam- có hai ngôi chùa cổ là chùa Mã Yên và chùa Hòn Tháp. Sách "Thích giáo nguyên lưu" cho biết chùa Hòn Tháp còn có tên là chùa Sơn Tháp. Chùa này là lúc ngài Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử nghỉ lại, được sư trong chùa đón tiếp, nhưng vua Trần Thánh Tông biết ngài ở đó và cho người đến đón. Trần Nhân Tông bất đắc dĩ phải theo về. Chùa Hòn Tháp lâu ngày đổ nát chỉ còn phế tích. Tại đó còn có dấu tích tháp đá và bài vị đề đạo hiệu sư trụ trì ở đây.
Đi theo suối vực rêu của chùa Hòn Tháp lên núi Lòng Thuyền, xã Cẩm Lý (Lục Nam) có chùa Mã Yên. Sách "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" cho biết chùa do Thiền sư Pháp Loa (thời Trần) xây dựng. Năm 2017 Viện khảo cổ học (Hà Nội) đã phối hợp với Sở VHTTDL khai quật khảo cổ học, phát lộ các dấu tích nền móng cũ của khu chùa và khá nhiều di vật từ thời Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Trong khu vực từ chùa Vĩnh Nghiêm lên đến chùa Đồng (Yên Tử) theo đường Tây Yên Tử còn có cả một hệ thống chùa tháp thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khác với các điểm tiêu biểu như: Chùa Cao, chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng), chùa Lệ Ngạc, chùa Hồ Bấc, chùa Hòn Trứng (xã Nghĩa Phương), chùa Bình Long núi, chùa Bình Long đồi, chùa Bình Long làng (xã Huyền Sơn), chùa Tè (xã Cương Sơn, huyện Lục Nam), chùa Đồng Thông, chùa Kim Quy (xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động) nối một dải Tây Yên Tử với nhau tạo ra một trục đường văn hóa tâm linh từ thời Lý qua thời Trần, Lê, Nguyễn cho tới tận ngày nay.
Đó là thực tại khách quan đã và đang được khám phá làm rõ nét, chứng minh cho quá trình phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong vòng 1.000 năm qua mà ở đất Bắc Giang có một điểm chốt quan trọng là chùa Vĩnh Nghiêm (Trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam) đến nay vẫn còn đang tỏa sáng tới khắp mọi miền trong nước.
Trần Văn Lạng