Sức hút Tây Yên Tử - Niềm tự hào du lịch Bắc Giang

Không gian văn hóa - Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử với những giá trị đặc sắc của khu du lịch văn hóa tâm linh, ngày càng thu hút đông đảo du khách thập phương tìm đến, đang trở thành sản phẩm du lịch quan trọng của tỉnh Bắc Giang.
Buổi sáng Tây Yên Tử. Ảnh: Thành Sơn

Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử ra đời nhằm tái hiện con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông (dọc sườn dãy Tây Yên Tử từ chùa Vĩnh Nghiêm - Yên Dũng, chùa Mã Yên, Hòn Tháp (Cẩm Lý - Lục Nam), Hồ Bấc (Huyền Sơn - Lục Nam), chùa Am Vãi (Nam Dương - Lục Ngạn)...) trên cơ sở vừa khai thác, vừa phát huy giá trị phong phú về các nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh thái của vùng núi Tây Yên Tử. Đây cũng chính là phương thức du lịch và ý nghĩa của “Du lịch sinh thái, tâm linh” Tây Yên Tử.

Đến với nơi đây, du khách có dịp tìm hiểu thêm về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gắn với cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành ở quốc gia Đại Việt từ khoảng giữa thế kỷ XIII, vị thiền sư có công đặt nền móng cho sự hình thành Thiền phái này là Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, thuộc dòng tôn thất nhà Trần. Ngài cũng là đại sư truyền đăng cho Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, người chính thức sáng lập ra phái thiền mang đặc trưng Phật Việt trên cơ sở hệ thống tư tưởng ba Phật phái Tiniđalưuchi, Vô Thông Ngôn, Thảo Đường vào những năm cuối thế kỷ XIII.

Ảnh: Thành Sơn

Trần Nhân Tông là con trưởng vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258, được lập làm Thái tử khi 16 tuổi. Vốn là người sùng kính đạo Phật, Ngài đặt chí tu hành từ rất sớm. Truyền thuyết kể rằng, đã có lần Trần Nhân Tông một mình trốn vào Yên Tử để chuyên tâm quy y Phật pháp, nhưng bị vua cha phát hiện nên bất đắc chí phải trở lại kinh thành. Năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông lên ngôi Hoàng đế. Tuy ở ngôi vua nhưng Ngài vẫn rất quan tâm đến tu thiền. Khi đế quốc Nguyên - Mông đưa quân xâm lược Đại Việt, Ngài phát huy tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài, hai lần chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên - Mông, ngăn không cho chúng tiến xuống vùng Đông Nam Á.

Với tư tưởng hòa hiếu vốn có của đạo Phật, Trần Nhân Tông thực thi chính sách hòa bình thân thiện với các nước láng giềng để xây dựng quan hệ hòa bình trên nền tảng Phật giáo. Năm 1293, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 1299, Ngài rời xa kinh thành, vào núi Yên Tử chuyên tâm tu đạo. Khi được truyền đăng từ Tuệ Trung thượng sĩ, Ngài đã thu tập và truyền dạy tư tưởng cho hàng nghìn đệ tử. Sau khi qua đời (năm 1308) Ngài được tôn làm Phật hoàng, Tổ đệ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì đã có công sáng lập Thiền phái này và thống nhất Phật giáo Đại Việt.

Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thấu hiểu Phật lý với đầy đủ tinh thần bi-trí-dũng, lên ngôi trong lúc đất nước có giặc ngoại xâm, chứng kiến bao cảnh thương tâm của cuộc sống nhân gian, Ngài đã chủ trương xây dựng một phái Thiền thuần Việt nhằm tìm một con đường giải thoát cho chính mình, đồng thời giải thoát cho những người khác, quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước có chiến tranh, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh.

Với tư cách là một vị vua, Ngài có một nhiệm vụ lớn nữa là phải lo cho dân, cho nước, chứ không chỉ lo cho chính mình. Vì thế, để giải quyết nỗi “lo” ấy, Ngài đã tranh thủ vị thế của một ông vua, gây dựng một Thiền phái để thu hút mọi người, đồng thời tự mình cũng trở thành một tấm gương mẫu mực về tu tập cho thần dân noi theo. Gây dựng một phái tôn giáo nhưng lại không vì tôn giáo ấy, mà chính vì cuộc sống. Tư tưởng, giáo lý của đức Phật hoàng tập trung nhất trong lời kết bài Cư trần lạc đạo:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền

(Nghĩa là: Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên/ Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền)

Với tư tưởng ấy, Thiền tâm của Phật giáo hòa nhập vào cuộc sống đời thường một cách dễ dàng, bởi nó vốn cũng chính là một phần của cuộc sống đời thường. Nhờ đó, Thiền tâm càng có sức lan tỏa ảnh hưởng trong xã hội, giúp nhà vua thêm một công cụ giáo hóa thần dân, đất nước có một đầu mối để lòng người quy tụ về, từ đó tạo ra sức mạnh đoàn kết cho cả dân tộc, giúp phần nào định hình tính cách yêu quý tự do, yêu sự thanh sạch, yên bình, coi trọng đạo đức cho người dân Đại Việt vốn trọng đạo lý và yêu chuộng hòa bình.

Ảnh: BGP

Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử được tổ chức thành 3 khu vực: chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Khu vực xung quanh chùa Hạ là trung tâm của khu du lịch với địa hình bằng phẳng, nằm ở vị trí thuận lợi, phía trước có núi; là trung tâm diễn ra các hoạt động du lịch và là nơi để du khách chuẩn bị cho hành trình leo núi và các hoạt động tôn giáo; gồm nhiều hạng mục như: công viên sinh thái; khu tái hiện Hoàng thành Thăng Long; các nhà hàng; trung tâm hội nghị; trung tâm du khách; bảo tàng; làng tâm linh; quảng trường sự kiện; khách sạn; ga cáp treo; khu nghỉ dưỡng bên suối và khu đi bộ cho du khách...

Khu vực xung quanh chùa Trung nằm giữa núi Yên Tử, chủ yếu là các đài vọng cảnh; đường đi bộ lên chùa Thượng; đường cáp treo; khu vực hiên Yên Tử; điểm tốt nhất để dừng chân nghỉ ngơi; khu nghỉ dưỡng trong rừng; khu dịch vụ du lịch; ga cáp treo; thông tin, nhà hàng, mua sắm...

Khu vực xung quanh chùa Thượng được coi là đích đến của hành trình leo núi và thực hành thiền.

Chùa Am Vãi, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Đến với Tây Yên Tử, du khách cũng được tìm hiểu về di tích chùa Am Vãi thuộc làng Biềng (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) là một trong những di tích trọng yếu của quần thể di tích và danh thắng nơi đây. Chùa Am Vãi được dựng ở gần đỉnh phía bắc núi Am Vãi có độ cao hơn 700m so với mực nước biển, nằm trong hệ thống chùa tháp thời Lý - Trần, thế kỷ XII-XIII. Xưa kia nơi đây có công chúa nhà Trần đến tu hành nên gọi là chùa Am Vãi hay Am Ni tự. Giữa núi rừng trùng điệp, chùa còn in lại nhiều dấu xưa như: hang Tiền, hang Gạo, giếng Cổ, bàn Cờ Tiên, dấu chân Phật... Ngày 09/01/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng chùa Am Vãi, huyện Lục Ngạn với tổng diện tích khoảng 1.065ha.

Năm 2019, lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” đã đem lại kết quả rất khả quan. Theo báo cáo tổng hợp của Sở VHTT&DL, chỉ riêng trong Tuần Văn hóa - Du lịch 2019 đã thu hút được trên 500 nghìn lượt khách, với khoảng 3.300 khách quốc tế. Sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, trước, trong và sau sự kiện.

Thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Thành Sơn

Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Giang năm 2020 với chủ đề "Bắc Giang - Miền đất thiêng Tây Yên Tử" sẽ diễn ra từ ngày 29/01 đến hết ngày 12/02/2020 (tức ngày mùng 05 tháng Giêng đến hết ngày 19 tháng Giêng năm Canh Tý) gắn với lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang và các lễ hội Xuân năm 2020 tại các địa phương trong tỉnh.

Nếu lấy điểm xuất phát là di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Xương Giang, du khách theo đường tâm linh Tây Yên Tử có thể thỏa sức khám phá những vẻ đẹp hoang sơ của thắng cảnh suối Mỡ; Khuôn Thần; Am Vãi; Đồng Cao; Khe Rỗ... rồi vòng lại với chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng... sẽ là một hành trình đầy thú vị.

Có biết bao điều ẩn chứa trong hành trình khám phá vẻ đẹp “Bắc Giang - Miền đất thiêng Tây Yên Tử” đang mời gọi bước chân du khách tìm về./.

0 Bình luận

| 4